Bạn đang có ý định đầu quân trong lĩnh vực tuy không mới nhưng ngày càng giàu tiềm năng như kinh doanh đồ chơi trẻ em? Hãy nằm lòng các bước và lưu ý quan trọng khi mở cửa hàng đồ chơi được chia sẻ sau đây.
Contents
Các bước cần thực hiện khi mở cửa hàng đồ chơi trẻ em
Dựa theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, có tới 25% dân số dưới độ tuổi 14 và tăng lên mỗi năm. Tức thị trường kinh doanh đồ chơi sẽ ngày càng mở rộng và sôi động tạo cơ hội làm giàu cho những ai biết nắm bắt.
Để mở được cửa hàng buôn bán đồ chơi không khó nhưng lại cần quan tâm nhiều vấn đề. Bạn có thể tham khảo theo các bước:
Bước 1: Lập kế hoạch, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng
Đây là bước đi đầu tiên có tính định hướng để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh đồ chơi trẻ em hay kinh doanh bất cứ mặt hàng nào. Hãy lên mạng tìm hiểu hoặc ra trực tiếp các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em cập nhật thị trường hiện tại và dự đoán xu hướng mặt hàng thịnh hành trong tương lai. Đồng thời xem đối thủ cạnh tranh đang có điểm mạnh, điểm yếu gì. Từ đó có bước đi đón đầu.
Với mặt hàng đa dạng như đồ chơi, việc chú ý đến thị hiếu của đối tượng khách hàng mình nhắm tới sẽ giúp tối ưu được chi phí và tập trung nguồn lực trong kinh doanh.
- Bán cho trẻ dưới 5 tuổi: Lúc này những đồ trẻ chơi chủ yếu dựa trên lựa chọn của bố mẹ. Đối tượng chính quyết định mua sản phẩm của bạn là người lớn. Do đó bạn cần bán những dòng sản phẩm thật sự an toàn, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng; nếu là hàng nhập nên có giấy công bố hợp quy để tăng độ tin tưởng.
- Bán cho trẻ trên 5 tuổi: Lúc này trẻ bắt đầu biết “đòi” mua những thứ mà chúng thấy hấp dẫn và mới lạ. Hãy nhập những sản phẩm màu sắc, ngộ nghĩnh, các món đồ chơi mô phỏng hoạt hình, nhân vật truyện tranh hot,… để lôi kéo trẻ về phía mình. Dù lúc này vấn đề chất lượng vẫn cần đảm bảo để bạn có được tập khách hàng thân thiết nhưng đối tượng cần tập trung lúc này là trẻ con, mà trẻ con thì thường “dễ dụ”.
Bước 2: Chuẩn bị vốn cho các khoản cần chi
Khi đã hiểu nhu cầu thị trường và xác định hướng đi, bạn cần quan tâm tiếp tới vốn. Bạn đã chuẩn bị hay dự định chi bao nhiêu tiền cho lần kinh doanh này? Thông thường số vốn cần để mở cửa hàng đồ chơi trẻ em dao động từ 100 – 200 triệu đồng với các khoản phí:
- Phí thuê mặt bằng;
- Phí nhập hàng;
- Phí thuê nhân viên;
- Phí trang bị cơ sở vật chất, trang trí, vận chuyển sản phẩm;
- Phí cho marketing, chạy quảng cáo, xây dựng website, mạng xã hội,…
- Phí dự phòng rủi ro trong 3 tháng đầu kinh doanh.
Bước 3: Tìm kiếm mặt bằng và trang trí ấn tượng
Có được kế hoạch kinh doanh và số vốn trong tay, việc tiếp theo là tìm kiếm mặt bằng phù hợp. Do đặc trưng của sản phẩm, những địa điểm gần trường học, trường mầm non, khu vui chơi giải trí, khu đông dân,… là gợi ý hoàn hảo để bạn đặt cửa hàng.
Hãy trang trí cửa hàng thật sinh động, “đáng yêu hóa”, có các hình thù vui nhộn để tạo hứng thú với trẻ. Tuy nhiên cũng không quên tạo ra dấu ấn riêng để không bị lẫn với “đối thủ” của mình.
Bước 4: Lựa chọn nguồn nhập và mặt hàng kinh doanh
Vì là thị trường truyền thống nên việc tìm kiếm nguồn hàng giá tốt không mất nhiều thời gian. Việc của bạn là quyết định:
- Bán hàng nội địa hay nhập hàng từ nước ngoài về?
- Nhập hàng đồ chơi ở các chợ đầu mối giá rẻ (chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên,…); ở đại lý phân phối lớn giá nhỉnh hơn, hay nhập trực tiếp từ nước ngoài về bán và chịu phí vận chuyển?
Quá trình lựa chọn nguồn nhập bạn cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm nếu muốn đi lâu dài trong ngành nghề này. Nhập hàng giá rẻ thường dễ bán và lợi nhuận cao hơn nhưng kèm theo rủi ro chất lượng, độc hại cho trẻ, mất khách hàng sau một hai lần mua. Nhập hàng chất lượng giá thành nhỉnh hơn, lợi nhuận ít hơn nhưng bù lại sẽ giúp bạn có được niềm tin của khách hàng và sẵn sàng chi tiền để đảm bảo an toàn cho con.
Bước 5: Tuyển nhân viên bán hàng
Nếu bạn dự định mở cửa hàng đồ chơi nhỏ và một mình có thể quản lý tốt thì không cần quan tâm đến bước này.
Còn nếu mở cửa hàng vừa và lớn bạn sẽ cần thuê nhân viên bán hàng (số lượng tùy vào quy mô, nhu cầu). Hãy đưa ra các tiêu chí cần thiết khi tuyển dụng như yêu thích bán hàng; am hiểu, có sở thích về đồ chơi. Hoặc tiến hành đào tạo để nhân viên biết tư vấn lựa chọn sản phẩm phù hợp cho các bé; giao thiệp lịch sự, thân thiện để giữ được khách hàng.
Lưu ý thêm khi mở cửa hàng đồ chơi bạn cần biết
- Kết hợp bán hàng đa kênh (bán online và bán hàng truyền thống) để tiếp cận tối đa khách hàng tiềm năng. Nên đẩy mạnh đăng tin, làm hình ảnh trên website, các trang mạng xã hội như facebook, zalo, trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada,…
- Hợp tác với một đơn vị vận chuyển để ship các đơn hàng online. Bởi mua hàng online, ship hàng tận nhà đang là xu hướng chính hiện nay.
- Đặt tên cửa hàng nên gần gũi, đơn giản, ngắn gọn để các bé cũng có thể hiểu và nhớ được.
- Nếu có nguồn vốn ổn nên kinh doanh đa dạng mặt hàng đồ chơi để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ưu tiên những sản phẩm có tên tuổi, gắn với vài thương hiệu phổ biến để vừa tận dụng được ấn phẩm quảng cáo của thương hiệu vừa giúp shop bạn tăng điểm uy tín.
- Với những bạn vốn ít, mới mở chưa có kinh nghiệm hay khách hàng nhiều không nên vội ôm đồm nhiều thứ khiến vốn trải dài. Lúc này hãy chọn ra những loại đồ chơi “hot” nhất hiện nay hoặc những đồ chơi không bao giờ lỗi thời để bán. Khi có lãi quay vòng lúc đó nên bắt đầu đa dạng mặt hàng.
- Chú ý đến các thủ tục pháp lý khi mở cửa hàng đồ chơi trẻ em. Tùy vào quy mô cửa hàng để đăng ký loại hình kinh doanh phù hợp.
Chúc các bạn thuận lợi trong quá trình mở cửa hàng đồ chơi trẻ em!