Mô hình B2C là một trong những hình thức kinh doanh thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay, đề cập đến giao dịch trực tuyến giữa Doanh nghiệp với Người tiêu dùng.
Tại đây, các doanh nghiệp có thể bán vô số các sản phẩm và dịch vụ thông qua website thương mại điện tử trực tuyến của mình. Để hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh thương mại điện tử B2C, trong bài viết hôm nay Blog King sẽ cùng các bạn chỉ ra đặc điểm & nguyên tắc cơ bản của mô hình B2C.
Contents
1. Đặc điểm của mô hình B2C trong kinh doanh thương mại điện tử
Đặc điểm cốt lõi của mô hình kinh doanh thương mại điện tử B2C đó là: khách hàng chính của mô hình là những người dùng cá nhân.
Họ là những người có nhu cầu rõ ràng về việc lên mạng tìm kiếm và mua sản phẩm để phục vụ nhu cầu “sử dụng” của mình, mà không phát sinh thêm giao dịch mua bán tiếp theo.
Hành vi mua hàng của họ đều được thực hiện trên website thương mại điện tử, từ việc tìm hiểu thông tin (mô tả sản phẩm, giá cả, chính sách, giao vận…) cho đến việc mua hàng online, thanh toán đều được cập nhật trực tiếp trên website bán hàng.
2. Nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh doanh B2C
2.1. Niềm tin khách hàng là mục tiêu hàng đầu
Kinh doanh online thương mại điện tử hiện nay vẫn chưa thể chiếm được hoàn toàn niềm tin của khách hàng, do vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản của mô hình B2C là hướng đến mục tiêu niềm tin người tiêu dùng.
Có được niềm tin thì sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mới có hiệu quả. Với sự phát triển nhanh chóng và ồ ạt của nhiều đơn vị kinh doanh trực tuyến như hiện nay thì việc giành được niềm tin khách hàng thực sự đang trở thành một trận chiến khốc liệt. Các sản phẩm, dịch vụ được bày bán phải đúng với thực tế, việc thanh toán trực tuyến phải đảm bảo độ tin cậy.
2.2. Một cửa hàng trực tuyến phải có thứ khách hàng cần tìm
Bạn phải hiểu được rằng, xu hướng mua hàng trực tuyến trên các website thương mại điện tử được hình thành cũng bởi nguyên nhân người tiêu dùng dần dần bị thu hẹp quỹ thời gian của mình và muốn được ngồi nhà mà vẫn mua được các món hàng cần thiết, đảm bảo chất lượng. Do đó, nếu muốn kinh doanh thuận lợi thì bạn phải bán những gì mà khách hàng cần, đang tìm kiếm.
Hãy đặt câu hỏi như thế này, trước một cửa tiệm mà hàng hóa trong đó được bày biện một cách lộn xộn, thiếu khoa học thì bạn có cảm thấy thích thú và muốn bước vào mua hàng? Tương tự như vậy, khi ghé thăm một website bán hàng và bạn không biết làm cách nào để đặt hàng, không biết đặt câu hỏi thắc mắc hay phản hồi về sản phẩm ở đâu thì liệu bạn có tiếp tục ở lại khám phá website đó? Câu trả lời đương nhiên là không rồi.
Trước khi khai trương một cửa hàng trực tuyến, bạn hãy suy nghĩ cẩn thận về cách tổ chức hàng hóa trong “kho” của bạn và tạo điều kiện để khách hàng có nhiều cách tìm thấy cái mà họ muốn tìm.
Ví dụ, bạn có thể cung cấp các đường dẫn dễ nhìn thấy tới các danh mục hàng hóa khác nhau, một công cụ tìm kiếm để khách hàng có thể nhập tên sản phẩm hoặc sơ đồ đường dẫn để giúp khách hàng có thể tự theo dõi các bước đi của họ trên trang web của bạn.
Quy tắc này cũng được áp dụng khi bạn cung cấp thông tin về các chính sách trao đổi, thông tin liên lạc, phí vận chuyển và các thông tin khác mà khách hàng quan tâm trước khi họ hoàn thành giao dịch.
2.3. Với thương mại điện tử, “tốc độ” là yếu tố quyết định
Câu nói “đợi chờ là hạnh phúc” không phải trong trường hợp nào cũng đúng. Thử tưởng tượng xem khách hàng của bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu như họ click vào nút “mua hàng” nhưng đợi đến tận mấy phút sau mới có được phản hồi từ website hoặc thậm tệ hơn là nhận được thông điệp báo lỗi.
Đặt bản thân mình vào vị trí đó cũng vậy thôi, chẳng có gì khiến khách hàng thất vọng hơn một website buộc họ phải đợi tới vài phút mới có câu trả lời về tình trạng hàng hóa, hoặc luôn phải đoán mò không biết mình có đặt hàng thành công hay không.
Để khắc phục được điều này, bạn hãy đảm bảo rằng các phần mềm và máy chủ hiện đang dùng có thể xử lý bất cứ yêu cầu gì khách hàng đưa vào. Nếu bạn đang sử dụng một dịch vụ của người khác, thì hãy đảm bảo rằng họ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất. Trong trường hợp bạn tự xây dựng trang web thì bạn hãy đầu tư vào đó các phần cứng và phần mềm tốt nhất theo khả năng của mình.
2.4 Mua hàng nhanh, thanh toán online cũng phải nhanh
Các cửa hàng trực tuyến có thể chấp nhận nhiều hình thức thanh toán khác nhau: thẻ tín dụng, tiền mặt điện tử, hoặc tiền mặt và séc qua thư. Các loại doanh nghiệp khác nhau sẽ chấp nhận các phương thức thanh toán khác nhau, vì thế hãy đảm bảo rằng nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của bạn có thể chấp nhận những phương thức mà khách hàng của bạn thường sử dụng nhiều nhất.
Để sẵn sàng cho các phương thức thanh toán ngoại tuyến, chẳng hạn như tiền mặt và séc gửi qua thư hoặc số thẻ tín dụng gửi qua fax, hãy ghi rõ địa chỉ gửi thư, số fax và số điện thoại tại nơi dễ thấy trên trang web của bạn.
Các phương thức thanh toán trực tuyến sinh ra một khó khăn điển hình: đó là vấn đề an ninh. Mặc dù việc gửi số thẻ tín dụng qua Internet là cực kỳ an toàn, nhưng khách hàng vẫn lo lắng.
Hầu hết các hệ thống thanh toán trực tuyến gửi số thẻ tín dụng và các thông tin cá nhân khác qua các hệ thống đã được mã hóa. Nếu hệ thống của bạn cũng sử dụng công nghệ này, hãy thông báo để khách hàng biết rằng thông tin của họ được bảo mật hoàn toàn.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng bạn cần có một tài khoản thương gia có thể chấp nhận các hình thức giao dịch bằng thẻ tín dụng. Nếu bạn đã có sẵn một tài khoản dùng cho công việc kinh doanh, thì bạn có thể dùng chính tài khoản đó để chấp nhận thẻ tín dụng trực tuyến. Nhưng nếu bạn chưa có, người xây dựng trang web hay cung cấp dịch vụ mạng có thể giúp bạn tạo ra một tài khoản thương gia có dịch vụ xử lý giao dịch trực tuyến.