Nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của các các công cụ phân tích website, công cụ thống kê truy cập Analytics mà chủ kinh doanh có thể đưa ra các báo cáo phân tích về tình trạng hoạt động của trang web, cũng như thấu hiểu hành vi của khách hàng trên site. Tuy nhiên không phải bất kỳ chủ kinh doanh nào cũng có kinh nghiệm để thật sự hiểu về các chỉ số đo lường đó. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng King tìm hiểu rõ hơn về các chỉ số đo lường website quan trọng trên báo cáo Analytics nhé.
Contents
1. Traffic (Lưu lượng truy cập)
Traffic được hiểu là lưu lượng truy cập của một website, qua đó giúp các nhà quản trị web biết được số lượng truy cập của khách hàng vào trang web của mình.
Traffic website là một chỉ số vô cùng quan trọng và chúng ta cần hướng đến mục tiêu là tìm cách tăng lượt truy cập, hay nói cách khác là kéo thêm traffic về cho website của mình.
2. Session (Phiên truy cập)
Session (phiên truy cập) là số lần người dùng truy cập vào website của bạn và có những hành vi tương tác trên trang như: xem trang, nhấp chuột, mua sản phẩm, điền biểu mẫu,… trong một khoảng thời gian nhất định.
Thế nào thì được tính là 1 phiên truy cập?
Phiên được tính từ khi người dùng truy cập và có tương tác trên website của bạn trong 30 phút. Kể cả khi họ rời khỏi trang web và quay trở lại trong vòng 30 phút đó thì vẫn được tính là một phiên ban đầu.
Đồng thời, nếu người dùng không có hoạt động trên website từ sau 30 phút thì bất kỳ tương tác nào sau thời gian đó đều được tính là một phiên mới.
Một phiên truy cập trên website được hình dung gần giống với một lần khách trực tiếp đến cửa hàng. Mọi hành động của khách tại cửa hàng trong một lần ghé thăm đó được coi là một phần của một phiên. Sau khi họ rời đi, phiên này sẽ đóng lại.
3. Visitor (Người truy cập)
Visitor là tổng số người truy cập vào website của bạn trong một khoảng thời gian xác định.
Tuy nhiên, số người truy cập được ghi nhận còn phụ thuộc vào địa chỉ IP mà họ truy cập vào website.
Cụ thể, một người truy cập vào trang web nhiều lần từ một địa chỉ IP thì chỉ được tính là một visitor. Nhiều người cùng truy cập từ một địa chỉ IP nhưng từ những thiết bị máy tính/ điện thoại khác nhau thì sẽ được coi là những visitor khác nhau.
Nếu một thiết bị máy tính được nhiều người khác nhau sử dụng và dùng chung một trình duyệt để vào cùng một website nào đó thì toàn bộ dữ liệu của họ sẽ chỉ được ghi nhận là một visitor.
Bên cạnh đó, nếu máy tính của một người thường xuyên xóa cookie trình duyệt, thì các lượt truy cập của người đó vào 1 website lại được xem như là của những visitor khác nhau.
- New Visitor (Người dùng mới)
Người dùng mới là những người truy cập trang web của bạn lần đầu tiên trong phạm vi ngày đã chọn. Vì cơ chế thống kê người dùng dựa trên mã theo dõi Google Analytics và cookie của trình duyệt, nên đối với những người dùng đã xóa cookie của họ trên trình duyệt hoặc truy cập trang web của bạn bằng một thiết bị khác sẽ được ghi nhận là một người dùng mới.
- Returning Visitor (Người dùng quay lại)
Một người dùng quay lại được ghi nhận khi ai đó có dữ liệu cookie trên trình duyệt/ thiết bị đã từng truy cập vào website trước đó.
Người dùng có thể được tính là cả khách truy cập mới và khách quay lại nếu họ truy cập trang web của bạn nhiều lần trong phạm vi ngày.
4. Pageviews (Số lần xem trang)
Mỗi website thường có rất nhiều trang nội dung, được điều hướng hiển thị thông qua một đường link (url) khác nhau. Mỗi lần người dùng truy cập vào một đường link nội dung trên website của bạn sẽ được tính là một lần xem trang, kể cả người đó truy cập lặp lại đường link đó trong cùng một khoảng thời gian.
Trong báo cáo Analytics, theo mặc định, các trang của bạn được sắp xếp theo mức độ phổ biến dựa trên số lần xem trang. Điều này cho phép các webmaster có thể biết được nội dung nào đang được xem nhiều nhất. Từ đó có thể đưa ra các kế hoạch nội dung với từ khóa và topic tương tự để thu hút thêm traffic cho website.
5. Time on site (Thời gian trên trang)
Time on Site hay còn được gọi là thời gian trên trang – là số liệu hiển thị thời gian trung bình khách hàng lưu lại trên trang web của bạn.
Time on site càng cao càng chứng tỏ website của bạn đang đươc đánh giá tốt về nội dung, nội dung của bạn hữu ích và được khách hàng yêu thích. Khi khách hàng ở lại lâu hơn trên website, bạn càng có thêm cơ hội để khách xem nhiều sản phẩm hơn và bán được nhiều hàng hơn.
Ngược lại, nếu thời gian trên trang ngắn chứng tỏ website của bạn không thu hút, không giữ chân được khách hàng. Trong trường hợp này, bạn cần xem xét để tối ưu lại các vấn đề về giao diện thiết kế, nội dung truyền tải và điều hướng phù hợp.
6. Bounce Rate (Tỷ lệ thoát)
Bounce Rate (Tỷ lệ thoát) được định nghĩa là tỉ lệ người truy cập website chỉ truy cập đúng 1 trang và sau đó tắt website mà không click để đến bất kì một trang nào khác trên website.
Tỷ lệ thoát có thể cung cấp thông tin chi tiết nhất về hiệu suất nội dung của bạn trên trang. Giảm tỷ lệ thoát sẽ giúp website tăng được lượng traffic và pageview, cũng như mở ra cơ hội chuyển đổi tốt hơn.
Đồng thời, kiểm soát tỷ lệ này với các nguồn lưu lượng truy cập sẽ cho bạn biết nên lựa chọn công cụ quảng cáo nào cho chiến dịch tiếp thị của mình.
7. Location (Vị trí địa lý)
Nếu các chỉ số như Tỷ lệ thoát, số trang trên phiên, thời gian trên trang và số người truy cập cho bạn biết đôi nét về hành vi người dùng, thì vị trí địa lý đem đến cho bạn cái nhìn tổng quát hơn về khách hàng truy cập website của mình.
Từ số liệu này, bạn sẽ biết được khách hàng truy cập của mình đến từ đâu: từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh khác, số lượng truy cập, thời gian xem trang…
Bạn có thể click trực tiếp vào từng địa điểm trong danh sách để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết. Những số liệu này giúp bạn hiểu hơn về khách hàng của mình, qua đó có chiến lược quảng cáo, phát triển sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng có lượng truy cập cao.
Trong khi theo dõi các số liệu tại báo cáo Analytics, bạn có thể mở rộng thêm các số liệu với đối tượng, sức thu hút và số chuyển đổi. Thông qua những số liệu này, bạn sẽ đánh giá được hiệu quả kinh doanh và tiếp cận khách hàng từ website thời trang của mình, từ đó có chiến lược điều chỉnh và phát triển phù hợp hơn.
8. Nguồn lưu lượng truy cập
Lưu lượng truy cập vào website được phân loại dựa trên nhiều nguồn khác nhau. Dưới đây là các nguồn lưu lượng truy cập chính bạn cần quan tâm:
- Organic Traffic: Lưu lượng truy cập vào website từ các kết quả tìm kiếm tự nhiên trên Google
- Paid Search: Lượt truy cập vào website bằng kết quả quảng cáo Google Ads khi người dùng thực hiện một truy vấn trên công cụ tìm kiếm Google
- Display: Lượt truy cập vào website qua các chiến dịch quảng cáo hiển thị (quảng cáo banner trên các website thuộc Display Ad Network)
- Direct Traffic: Lượng traffic truy cập trực tiếp vào website và không thông qua các kênh trung gian nào khác: Thông qua nhập đường link url website trực tiếp, lưu cache url website trên trình duyệt hoặc lưu trang web trong bookmark.
- Social Traffic: Lưu lượng truy cập của người dùng đến từ các trang mạng xã hội (Google+, Facebook, Twitter,…) (không được gắn thẻ là quảng cáo)
- Referral Traffic: Lượt truy cập vào website của bạn từ các kênh/website giới thiệu khác (không phải là mạng xã hội), thông qua một backlink hoặc quảng cáo của website được đặt trên các trang giới thiệu.
- Email: Nguồn traffic đến từ các liên kết đến website của bạn trên kênh Email marketing.
Trên đây là những thông tin giới thiệu về các chỉ số đo lường website trên báo cáo Analytics quan trọng mà bất kỳ chủ shop nào đang kinh doanh trên website online cũng cần quan tâm. Hiểu rõ các chỉ số này giúp các chủ website dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của các loại báo cáo trên website như: Báo cáo truy cập, báo cáo chuyển đổi, báo cáo khách hàng, báo cáo doanh thu… Từ đó kịp thời đưa ra những phương án tối ưu website, nâng cao hiệu quả kinh doanh trên kênh website online.